Bối cảnh Alsace_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Năm 1936, sự thất bại của Hội nghị Hải quân London thứ hai đánh dấu việc kết thúc sự giới hạn chạy đua vũ trang hải quân trên thế giới. Nhật Bản đã rút khỏi Hội nghị vào ngày 15 tháng 1 và Ý cũng từ chối ký kết Hiệp ước. Một điểm gọi là "điều khoản leo thang", được đưa vào Hiệp ước do sự thúc dục của các nhà thương lượng Hoa Kỳ, cho phép các nước tham gia: Pháp, Anh và Hoa Kỳ, nâng giới hạn cỡ nòng của dàn pháo chính từ 356 mm (14 inch) lên 406 mm (16 inch), và trọng lượng choán nước của thiết giáp hạm từ 35.000 lên 45.000 tấn, nếu như Nhật Bản hay Ý vẫn từ chối ký hiệp ước cho đến ngày 1 tháng 4 năm 1937.[1] Hoa Kỳ đã áp dụng cỡ pháo 406 mm (16,0 in)/45 caliber cho những lớp thiết giáp hạm nhanh mới của họ;[2] Anh quyết định tôn trọng giới hạn của Hiệp ước Hải quân London thứ hai cho lớp King George V; Đức không liên quan vì họ không được mời tham gia Hội nghị, nhưng một cách chính thức, các thiết giáp hạm Bismarck và Tirpitz có cỡ pháo 380 mm và tải trọng 35.000 tấn. Vì vậy Pháp quyết định tôn trọng giới hạn 35.000 tấn và 380 mm cho đến khi không có thế lực hải quân nào tại Lục địa châu Âu vượt qua nó.[1][3] Cân nhắc tất cả các điểm trên, vào cuối năm 1937, Tổng tư lệnh Hải quân Pháp mới nhậm chức, Đô đốc François Darlan, ra lệnh nghiên cứu một thiết kế thiết giáp hạm mới gồm hai chiếc,[4] khi mà việc chạy thử máy lớp Dunkerque đã cho phép đánh giá hiệu quả của thiết kế, đặc biệt là dàn pháo chính bốn nòng hướng toàn bộ ra phía trước, và dàn pháo hạng hai đa dụng (phòng không và đối hạm) với cỡ nòng tương đối nhẹ.[4]

Ba đề án khác nhau đã được đưa ra nghiên cứu: dự án A có cùng cách sắp xếp hai tháp pháo bốn nòng phía trước giống như của Richelieu, nhưng có cấu hình dàn pháo hạng hai khác biệt; dự án B có một tháp pháo bốn nòng phía trước và một tháp pháo phía sau; trong khi dự án C có hai tháp pháo ba nòng phía trước và một tháp pháo ba nòng phía sau, tất cả đều là pháo cỡ nòng 380 mm. Dự án C đã dẫn đến việc vượt quá 5.000 tấn bên trên giới hạn 35.000 tấn, nên đã không được đề nghị cho Bộ Hải quân.[5]

Vào tháng 6 năm 1938, Đô đốc Darlan chọn dự án A biến thể 2 làm thiết kế để chế tạo thiết giáp hạm thứ nhất trong số cặp thứ hai của lớp Richelieu, vốn sẽ được đặt tên là "Clemenceau". Ông cũng chọn dự án B biến thể 3ter cho chiếc thứ hai, một thiết kế có sự tham gia của bản thân ông, và đặt tên là "Gascogne", một tỉnh của Pháp nơi ông đã sinh ra.[6]

Tại sao chỉ trong một ngày lại có hai thiết kế khác nhau được chọn ? Câu trả lời là vì người ta buộc phải tận dụng số ít xưởng đóng tàu có khả năng đóng những con tàu lớn. Ụ tàu Salou tại Xưởng hải quân Brest đã được sử dụng vào việc đóng Richelieu vốn dự tính sẽ được hạ thủy vào tháng 1 năm 1939. Một thiết kế theo dự án B không thể được đặt lườn tại đây chỉ sáu tháng sau khi được chấp thuận, do phải mất ít nhất một năm mới có được bản vẽ chi tiết cuối cùng. Do đó một thiết giáp hạm đặt lườn vào tháng 1 năm 1939 bắt buộc phải theo thiết kế của dự án A. Ụ tàu "Caquot" tại Saint-Nazaire, đang sử dụng để chế tạo Jean Bart mà việc hạ thủy được dự tính vào tháng 10 năm 1940, có thể sử dụng để đóng chiếc thứ hai.[3]

Clemenceau được đặt lườn vào ngày 17 tháng 1 năm 1939, cùng ngày mà Richelieu được hạ thủy, nhưng Jean Bart bị buộc phải rời khỏi ụ đóng tàu vào ngày 19 tháng 6 năm 1940, hầu như ngay trước mắt các đơn vị tiền phương của quân Đức, vì vậy Gascogne chưa bao giờ được đặt lườn.

Vào mùa Hè năm 1939, tình báo Pháp đã lưu ý Bộ Hải quân về việc Đức đã đặt lườn hai thiết giáp hạm được dự đoán có tải trọng 45.000 tấn và trang bị pháo 406 mm, về thực chất chính là lớp thiết giáp hạm H trong Kế hoạch Z. Pháp quyết định thiết kế lớp thiết giáp hạm mới bên ngoài giới hạn 35.000 tấn và 380 mm. Dựa trên những căn bản của dự án C năm 1938, thiết kế lớp tàu mới được hình thành và được đặt tên là lớp "Province" hay sau đó chính là lớp Alsace.[7]